Vì sao trẻ ăn nhiều mà không tăng cân?

Bé ăn nhiều nhưng không tăng cân có thể do mật độ, thành phần thức ăn chưa phù hợp hoặc trẻ có bệnh lý nên hấp thụ kém hơn.

Đối với trường hợp trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân, trước hết cần xem bé có bệnh lý gì không. Các bé có vấn đề bẩm sinh như bệnh hô hấp, hen suyễn, đường tiêu hóa, tuyến giáp, tim mạch sẽ có tình trạng kém hấp thu hoặc tăng nhu cầu năng lượng. Do đó, nếu bé có bệnh lý thì phải điều trị trước khi đánh giá dinh dưỡng.

Về dinh dưỡng, không phải cứ ăn nhiều là bé sẽ lên cân, quan trọng chế độ ăn đó có phù hợp với trẻ không. Trẻ 10 tháng tuổi cần uống khoảng 600-800 ml sữa, ăn ba cữ một ngày. Với trường hợp trên, lượng sữa và số bữa ăn của bé là phù hợp nhưng chất lượng bữa ăn vẫn chưa thể đánh giá là đạt chuẩn hay chưa.

Phụ huynh cần đưa bé đi khám dinh dưỡng để được đánh giá tình trạng dinh dưỡng thực tế,khảo sát chế độ ăn vì đôi khi chế độ ăn của bé đang bị thiếu chất béo, đạm, tinh bột hoặc bé không thích ăn thịt cá. Một số trường hợp bé tuy ăn nhiều nhưng chỉ ăn các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng thấp.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác là phụ huynh có thể cho con ăn với mật độ thức ăn chưa phù hợp với hệ tiêu hóa. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng tiêu hóa không hiệu quả, kém hấp thu, trẻ ăn nhiều nhưng không thể hoặc khó tăng cân.

Một chế độ ăn không phù hợp kéo dài sẽ rất khó cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Với trẻ nhũ nhi, ba tháng không tăng cân là một dấu hiệu báo động. Mẹ nên đưa bé khám dinh dưỡng để tìm nguyên nhân chính xác và được tư vấn, điều trị dinh dưỡng hợp lý.